1. Câu Lời Chúa chủ đề:
“Hãy để trẻ em đến với Thầy” (Lc 18,16) là câu Lời Chúa chủ đề của năm kỷ niệm nhân dịp 20 năm Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (TNTT) được tái thành lập trong TGP Sài Gòn, 2003-2023.
Câu Lời Chúa được viết trang trọng ở vị trí cao nhất của logo, nhắc nhớ các Huynh trưởng TNTT lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ năm xưa cũng chính là lời mà Ngài, Vị Huynh Trưởng Tối Cao, đang nói với từng Huynh trưởng TNTT hôm nay: Hãy đưa các em nhỏ đến với Thầy Giêsu để Thầy yêu thương, hướng dẫn và chúc lành cho các em, cũng như để các em được học nơi Thầy, Đấng “hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)
Câu Lời Chúa này cũng là lời mời gọi dành cho tất cả các em Đoàn sinh TNTT: Hãy đến với Thầy Giêsu, hãy học nơi Thầy Giêsu, để các em kín múc được nguồn sức sống và tình yêu nơi Lời Chúa và Thánh Thể, để các em “trưởng thành hơn về nhân cách và đời sống Kitô hữu, trở nên những tông đồ nhiệt thành.” (x. Điều 1 – Nội quy TNTTVN 2019)
Tổng thể logo diễn tả con số 20 cách điệu, nói lên cột mốc kỷ niệm 20 năm tái lập TNTT trong TGP Sài Gòn, với các chi tiết và ý nghĩa biểu trưng như sau:
2. Số 2:
Phần thân của số 2 mang dáng dấp của chữ “ I ”, nghĩa là “tôi” trong tiếng Anh, đồng thời cũng giống chữ “J ” là chữ đầu trong tên “Jesus” (“Giêsu”) viết theo tiếng Anh. Nét cách điệu này diễn tả quyết tâm của mỗi thành viên TNTT là kết hợp với Chúa Giêsu để nên đồng hình đồng dạng với Người, để có thể tuyên bố như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).
Phần thân của số 2 màu cam, gợi nhớ màu gạch đặc trưng của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngôi thánh đường mẹ thân yêu của TGP, đồng thời cũng là màu đất, diễn tả tâm tình gắn bó của TNTT với mảnh đất nơi mình được sinh ra, dưỡng nuôi và lớn lên trong lòng TGP Sài Gòn thân yêu. Màu cam cũng diễn tả sức nóng của lửa, biểu tượng của ơn Chúa Thánh Thần, là cội nguồn của nhiệt huyết tông đồ mà Ngôi Ba Thiên Chúa hằng tuôn đổ xuống tâm hồn mỗi thành viên TNTT.
Phần chân của số 2 được tạo nên bởi các dải lụa màu hồng, xanh lá, xanh dương, vàng, nâu, là màu khăn quàng của 5 Ngành TNTT - Chiên Con, Ấu Nhi, Thiếu Nhi, Nghĩa sĩ, Hiệp sĩ. Năm dải lụa như đang tung bay trong gió và ôm quyện lấy nhau, diễn tả sức sống, tinh thần hiệp nhất và đoàn kết yêu thương của tất cả đoàn sinh TNTT. Và các dải lụa của Đoàn sinh được bao bọc bởi dải lụa đỏ, màu khăn của Dự trưởng, Huynh trưởng và Trợ tá, diễn tả sự chăm sóc, hướng dẫn và hy sinh làm bệ phóng của các HT-DT và Phụ huynh cho sự phát triển của các em.
Các dải lụa tuy đa sắc màu nhưng đều xuất phát từ 1 gốc điểm diễn tả sự phong phú của các thành phần TNTT nhưng tất cả đều có chung một nguồn cội, đều là con cùng một Cha trên trời và là anh chị em với nhau nhờ Đức Giêsu Kitô. Tất cả các dải màu đều hướng về và ôm lấy số “ 0 ” biểu trưng cho hình ảnh Bánh Thánh, nói lên lòng yêu mến thiết tha của mọi thành viên TNTT dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể, là nguồn sống và lý tưởng của TNTT.
Những dải màu đa sắc cũng gợi lên hình ảnh chiếc cầu vồng sau cơn mưa, diễn tả sự hồi sinh của TNTT sau thời gian tạm ngưng vì những thay đổi của lịch sử; giờ đây, sau 20 năm được tái lập nhờ ơn Chúa quan phòng, TNTT TGP đứng trước một viễn cảnh phát triển tốt đẹp hơn nữa trong thập kỷ thứ 3 của thiên niên kỷ mới này.
Toàn bộ số 2 cách điệu mang dáng dấp của chữ “ L ” và hình ảnh một quyển sách đang mở ra, gợi nhớ về “Lời Chúa” và quyển “Thánh Kinh”, nhắc TNTT quyết tâm học hỏi và sống Lời Chúa, vì “Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và là chất liệu đặc biệt được dùng để giáo dục, thánh hóa và hướng dẫn các thiếu nhi” như Điều 3 Nội quy TNTTVN 2019 đã khẳng định.
3. Số 0:
Trung tâm của logo là huy hiệu Thiếu Nhi Thánh Thể rất đỗi thân quen với mọi thành viên TNTT, được bao bọc trong vòng tròn của số 0. Vòng tròn diễn tả sự tròn đầy của lòng tin và sự vĩnh cửu của tình yêu.
Hình ảnh Chén Thánh và Bánh Thánh - biểu trưng của Bí tích Thánh Thể - đặt trên Thánh giá màu đỏ, diễn tả tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu, và trên nền nửa trắng nửa vàng là màu cờ của Hội Thánh Công Giáo.
Tất cả để nói lên rằng:
- Bí tích Thánh Thể là trung tâm và nguồn mạch của mọi sinh hoạt TNTT, như Điều 2 Nội quy TNTTVN 2019 nói rõ: “Chúa Giêsu Thánh Thể, trung tâm và nguồn động lực cho đời sống đức tin, là nguồn sống và là lý tưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể. Người luôn hiện diện và hoạt động trong đời sống chúng ta.”
- TNTT hết lòng yêu mến và cố gắng sống kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong từng ngày sống.
- TNTT nhìn lên Thánh giá và sống tinh thần hy sinh theo gương yêu thương của Chúa Giêsu.
- TNTT sống trong lòng Hội Thánh, được Hội Thánh yêu thương chăm sóc, và TNTT luôn yêu mến và gắn bó với Hội Thánh.
4. Phần đế của logo:
Phần đế của logo là dòng chữ “Tái lập TNTT TGP Sài Gòn 2003-2023” được viết bằng màu trắng là màu khăn của các Cha Tuyên Úy nổi bật trên nền xanh biển là màu của hy sinh quảng đại, nói lên công sức của bao thế hệ Linh mục Tuyên úy đã dày công đặt nền tảng và vun đắp cho TNTT được gầy dựng, phát triển và hồi sinh trong TGP Sài Gòn.
TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN
THIẾU NHI THÁNH THỂ LIÊN ĐOÀN ANRÊ PHÚ YÊN
THƯ NGỎ CHIẾN DỊCH XÂY DỰNG ĐẤT HỨA
Kính thưa quí cha,
Từ năm 2003, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thế đã chính thức được tái lập tại Tổng Giáo phận Sàigòn, và con, Linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn, được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trao cho đặc trách Ban Mục Vụ Thiếu Nhi Giáo phận từ năm 1999, cũng được vinh hạnh kiêm nhiệm vai trò Tuyên Ủy của Liên Đoàn Anrê Phú Yên Thiếu Nhi Thánh Thể Tổng giáo phận Sàigòn.
Vượt qua những khó khăn kế từ những ngày đầu tái lập đến nay, chúng con cảm tạ Chúa Quan Phòng đã thương nâng đỡ và giúp Thiếu Nhi Thánh Thể ngày càng phát triển, thành môi trường tốt lành giúp giáo dục đức tin và nhân bản cho thanh thiếu niên, mong các em nên người và nên thánh như Chúa Giêsu ‘càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan nhân đức’.
Đứng trước nhu cầu cần một cơ sở sinh hoạt và huấn luyện cho Thiếu Nhi trong Tổng Giáo phận, cũng như giúp việc học tập, Sa mạc huấn luyện, tĩnh tâm cho các Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên, chúng con ao ước có một Trung tâm Sinh hoạt mang đậm nét “khung cảnh Thánh Kinh” nhằm chuyển tải và thổi bùng lên “bầu khí Thánh Kinh”, giúp các em Thiếu Nhi và các Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên cảm nghiệm sâu xa về tình thương của Thiên Chúa. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng này, một số ân nhân đã mua tặng Liên đoàn khu đất 14.000m2 ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) để xây dựng Trung Tâm Sinh Hoạt và tĩnh tâm Thiếu Nhi Thánh Thể cho Tổng Giáo phận.
Suốt 10 năm qua, quí ân nhân cùng các Huynh trưởng-Giáo lý viên đã giúp góp xây dựng hàng rào, san lấp 3 cái ao, sửa mặt bằng, bồi đắp sân vườn và xây dựng công trình hạ tầng, làm cho khu đất khang trang, an toàn và đẹp đẽ hơn. Xin trân trọng ghi ơn tất cả các nghĩa cử cao đẹp trên và xin Chúa trả công vô cùng cho quí vị.
Tháng 8/2015 Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước (Gp. Phú Cường) đã đến thăm, chúc lành và chính thức công nhận đây là tài sản của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Và Chúa nhật ngày 1-5-2022 Cha Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân đã dâng thánh lễ tạ ơn, thánh hóa Nhà Nguyện và Nhà Điều Hành Trung Tâm.
Trong dịp tĩnh tâm năm 2022 của linh mục đoàn Giáo phận, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng mong muốn tất cả các giáo xứ trong giáo phận có Thiếu Nhi Thánh Thể và ngài đang nỗ lực để các giáo xứ hình thành Thiếu Nhi Thánh Thể.
Sắp tới chúng con phải hoàn thiện nhà Nguyện (594m2), nhà đa năng (1089m2) xây dựng 2 khu nhà vệ sinh: 24 phòng (320m2) 30 phòng (360m2), nhà bếp, dự trù 4 tỷ 8 (4.800.000.000$). Để có kinh phí tiếp tục xây dựng khu Trung Tâm tĩnh tâm và Sinh Hoạt cho Thiếu nhi cũng như Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên, chúng con ước mong quý Đức cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quí ông bà, anh chị em Giáo dân, đặc biệt các em thiếu nhi thương cầu nguyện và rộng tay giúp đỡ, đế “Đất Hứa” sớm được hoàn thành, trở nên vùng đất chảy sữa và mật cho các em Thiếu nhi.
Năm 2023 cũng là kỷ niệm 20 năm tái lập Thiếu Nhi Thánh Thể tại Tổng giáo phận Sàigòn. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban muôn ơn lành và trả công bội hậu cho quý vị.
Ý CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG THÁNG 10.2022
Ý truyền giáo - Cầu cho Giáo Hội cởi mở với hết mọi người
Xin cho Giáo Hội, trung thành với Tin Mừng và can đảm khi loan báo, trở thành một cộng đoàn liên đới, huynh đệ và cởi mở. Ước mong Giáo Hội ngày càng mở ra hơn với tất cả mọi người.
CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG
Như đôi mắt được nhìn ngắm ánh nắng ban mai của ngày mới đến, đôi tai con cẩn trọng lắng nghe những lời Chúa nói cùng con. “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32) Chúa Giê-su gặp con dưới nhiều hình thức khác nhau, như khi Người xuất hiện trước mặt các môn đệ trên đường Em-mau. Ngài gặp gỡ con như một người bạn, một người anh em. Thông qua cuộc đối thoại đầy tình huynh đệ với anh chị em mình, xin cho con xây dựng cây cầu hòa bình và thực thi công lý. Lạy Cha chúng con ở trên trời....
Là một người Huynh trưởng,
…Sẽ nghe qua 1️⃣0️⃣0️⃣1️⃣ câu nói ngây ngô “khó đỡ” của các em thiếu nhi nhà mình
…Sẽ chứng kiến vô số những tình huống “dở khóc dở cười” ? khi mang chiếc khăn Phụng sự
… Sẽ có cả những thao thức, rung cảm chẳng biết tỏ cùng ai…
Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (Lc 24,29)
Bài đọc 1: Cv 3,1-10
1 Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. 2 Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. 3 Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. 4 Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây!” 5 Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. 6 Bấy giờ ông Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” 7 Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. 8 Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. 9 Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. 10 Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.
Tin mừng: Lc 24,13-35
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”
19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.
20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.
22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Trong tăm tối hãi hùng của bản án tử Thập giá, Tin mừng Phục Sinh vừa lóe sáng, nhưng không đủ sức thuyết phục những con người thất vọng đang trở về quê cũ. Chúa Phục Sinh đã đến để họ nhận ra Ngài và nên nhân chứng cho Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục Sinh, điều chắc chắn nơi các môn đệ của Chúa, là tận mắt chứng kiến Chúa chết trên thập giá, còn việc Chúa sống lại đối với họ chỉ là một tin đồn, không có chứng cớ thuyết phục. Để chọn lựa giữa cái chắc chắn và tin đồn, các tông đồ đã chọn cái chắc chắn, một cái chắc chắn đưa đến thất vọng và thối lui. Nhưng Chúa đã sống lại và đã hiện diện giữa nỗi thất vọng của các môn đệ, đã chia sẻ nỗi lòng của họ, đã dùng Lời Kinh Thánh soi sáng cõi lòng họ và nhất là đã dùng dấu chứng của phép Thánh Thể để tỏ mình cho họ, để đem họ trở về, để kéo họ ra khỏi vũng lầy thất vọng. Chúa đã làm cho buổi chiều tối âm u ấy bừng sáng một sức mạnh diệu kỳ. Chúa đến biến đổi đôi chân nặng nề thành nhanh lẹ để vụt dậy chạy về Giêrusalem hô to Tin mừng Phục Sinh.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của con có những cái chắc chắn trước mắt, cái chắc chắn đầy tăm tối của ngày mai, cái chắc chắn của một cơn bệnh nan y kéo dài, cái chắc chắn của cuộc sống gia đình lắm bất hòa chia rẽ … Bao nhiêu cái chắc chắn làm cho cuộc sống con ra tăm tối, bấp bênh, bất ổn … Xin Chúa cho con nhận ra Chúa đã phục sinh và đang hiện diện giữa chúng con. Xin cho con biết đến với Lời Chúa và nhất là bí tích Thánh thể để kín múc ánh sáng niềm vui, hy vọng và sức mạnh. Xin Chúa ở lại với con luôn mãi. Amen.
Ghi nhớ: “Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.
Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại,
vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. (Ga 20,17)
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Dù trước kia đã biết Chúa Giêsu, nhưng bà Ma-đa-lê-na đã không nhận ra Chúa Phục Sinh bằng con mắt thường. Người đã bước vào cuộc sống khác, nên cần phải có đức tin mới có thể nhận ra Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa vì Chúa thương con và đích thân đến gặp bà Ma-đa-lê-na. Cũng như bà Ma-đa-lê-na, con tưởng có thể nhìn Chúa bằng đôi mắt xác thịt, con tưởng có thể ôm chầm lấy Chúa và giữ Chúa lại trong vòng tay. Chính vì vậy, bao nhiêu lần Chúa đến với con mà con chẳng nhận ra Chúa, bao nhiêu lần con đi tìm Chúa mà chẳng gặp được Chúa.
Có những lúc chúng con đi bên nhau mà vẫn chẳng nhận ra sự hiện diện của nhau. Người khác có đó mà cũng như chẳng có. Vì chúng con chẳng quan tâm đến nhau, không yêu thương nhau. Ngược lại có những lúc thân xác xa cách nhau, nhưng lòng chúng con rất gần nhau và tưởng chừng đang sống bên nhau. Đó là vì chúng con thương nhau.
Lay Chúa, xin Chúa ban cho con đức tin và tình yêu mến để con nhận ra Chúa đang ở bên cạnh con. Chúa đã sống lại và vượt qua những giới hạn của thân xác, của không gian và thời gian, để đến gặp con trong mọi nơi, mọi lúc. Chúa gọi tên con, xin cho con được nhận ra tiếng gọi của tình yêu Chúa. Trên hành trình thời gian, Chúa vẫn bước đi bên con, nhưng nhiều lúc con cảm thấy vắng bóng Chúa, xin Chúa giúp con nhận ra Chúa bên cạnh con để con được sống trong bình an và niềm vui.
Con xin hứa đến với Chúa trong những điểm hẹn mà Chúa đang đợi chờ con, đó là lắng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ. Con cũng hứa không sống khép kín nữa, để con có thể nhận ra Chúa nơi các anh chị em hằng ngày đang sống bên con. Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.
“Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng,
chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay”. (Mt 28,8)
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại, Ngài mời gọi mọi người cùng cảm nghiệm sự sống lại đó, trong cuộc sống của mỗi người hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, sự sống lại của Chúa đã làm thay đổi tầm nhìn và suy nghĩ của mọi người. Những kẻ đã lên án chống đối Chúa tưởng mình đang vinh quang chiến thắng, bỗng sững sờ thất bại trước sự việc không thể lường trước. Còn những ai theo Chúa, đang thất vọng chán nản thì hân hoan phấn khởi. Trong số đó, con thấy có một số phụ nữ theo Chúa đến cùng, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất, giờ đây họ được diễm phúc cảm nghiệm sự sống lại của Chúa, được làm sứ giả đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho các tông đồ.
Lạy Chúa, cuộc sống trần gian của con không thể kéo dài mãi, sức khỏe đã yếu đi, tinh thần và sự hăng say làm việc giảm sút. Cuộc đời này qua đi thật mau. Dù con vẫn biết cuộc sống đời này như một chiếc cầu nối liền vào cuộc sống vĩnh cửu, nhưng con vẫn bi quan lo sợ mỗi lần con nghĩ tới sự chết.
Lạy Chúa, các phụ nữ ra thăm mồ đã vui mừng. Chúa bảo họ đừng sợ. Phần con, con cảm thấy niềm tin nơi con quá yếu kém, chưa cảm nhận được sự phục sinh của Chúa. Xin Chúa củng cố và tăng thêm đức tin nơi con, để con ý thức những gì trong cuộc sống hiện tại là những viên gạch xây dựng cho căn nhà Nước Trời. Mỗi sáng thức dậy con đang bước vào một ngày mới với đầy lòng tín thác vào ân sủng của Chúa. Xin Chúa ban cho con niềm vui Phục Sinh để từng ngày sống của con trở nên một sứ điệp mang lại niềm vui và lòng tin cho mọi người, nhờ đó chúng con cùng nhau hy vọng sẽ sống lại trong ánh sáng phục sinh vinh quang của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.
BÀI ĐỌC I: Cv 10, 34a. 37-43
“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.
Đó là lời Chúa.
TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 04/04/2021
CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG
Con chào đón ngày mới với niềm hân hoan, không chút vướng bận vì niềm hy vọng của chúng con vẫn đang sống. Trái tim con nhảy lên vui sướng khi biết rằng Chúa Giê-su còn sống. “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20, 1-9). Chúa Giê-su dạy chúng con yêu thương và dấn thân cho nhân loại. Noi gương Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết dấn thân để bảo vệ nhân phẩm, với sự quan tâm đặc biệt đến những ai chịu tổn thương trong xã hội. Lạy Cha chúng con ở trên trời,..